Sự nghiệp Mai_Kỷ

Ông Mai Kỷ học tập ở Liên Xô, đến năm 1959, ông trở về làm giảng viên ở trường ĐH Bách Khoa. Năm 1963, ông tiếp tục được cử đi học hàm tiến sĩ ở Liên Xô. Năm 1966, ông trở về Việt Nam với học hàm Phó Tiến Sĩ (PTS), bậc hàm này lúc đó rất hiếm. Dù vây ông vẫn quay lại với công việc giảng dạy quen thuộc tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, dù trước khi đi ông đã là trưởng phòng Giáo vụ. Suốt 10 năm, dù chỉ đảm nhiệm vị trí giảng viên đơn thuần nhưng ông vẫn là chuyên gia đầu ngành về luyện kim, cho nên thường xuyên được Bộ Chính trị triệu lên họp. Lúc đó, đường lối của Đảng và Nhà nước là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng nên ngành luyện kim rất được chú trọng.

Sau hơn chục năm làm thầy, ông Mai Kỷ được điều về phụ trách viện nghiên cứu về luyện kim, được mấy năm rồi lên làm thứ trưởng (Bộ Luyện kim), sau đó làm phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, rồi phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch -đầu tư).

Tôi hỏi ông Kỷ: “Học chuyên ngành luyện kim, duyên cớ gì ông lại về làm chủ nhiệm Ủy ban Dân số?”. Trầm ngâm một lát, ông nói: “Đại hội 5, 6 và 7 của Đảng đều đặt ra mục tiêu phải giảm tỉ lệ tăng dân số. Nhưng cả thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp, Phó thủ tướng Võ Văn Kiệt đều phụ trách công tác dân số nhưng không làm sao giảm được.

Đến khi ông Kiệt lên làm thủ tướng, ông gọi tôi lên nói “cậu phải giúp tớ việc này”. Nghe Thủ tướng nói, tôi cười “anh thừa biết tôi là dân luyện kim, làm sao đi làm dân số được”. Ông Kiệt dứt khoát “Không ai bảo anh đi hướng dẫn dân đặt vòng tránh trai, mà tôi cần một người làm tổ chức về công tác dân số. Và tôi tin là anh làm được”. Từng là phó cho ông Kiệt khi còn ở Ủy ban Kế hoạch nhà nước, tôi biết tính ông đã quyết thì khó thay đổi nên đành gật đầu, dù mình chẳng hiểu gì về dân số cả”.

Thế là tại kỳ họp Quốc hội năm 1992, ông Kỷ trở thành Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số. Cho đến giờ, nhắc đến ông người ta vẫn phải thừa nhận rằng thời ông làm công tác dân số là thành công: chỉ trong vòng dăm năm, tỉ lệ tăng dân số của VN từ 2,5% đã giảm xuống 1,7%.[1]